Xe khách trá hình: Khó kiểm soát hay cố tình không kiểm soát?

Ngày đăng tin   Thứ 3, ngày 26/08/2014 Số lượt xem   4488 Lượt xem      Bản InBản In
(nguồn: giaothongvantai.com.vn). Tọa đàm trực tuyến “Làm gì để dẹp xe khách trá hình?” được Báo Giao thông tổ chức vào chiều nay (25/8) với sự tham dự của các khách mời đến từ Bộ GTVT, Uỷ ban ATGT Quốc gia, Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt, Sở GTVT TP. HCM, Hà Nội, đại diện các doanh nghiệp vận tải, bến xe, luật sư…

Buổi toạ đàm được tổ chức tại trụ sở Báo Giao thông 18 Phạm Hùng (Hà Nội) và Văn phòng đại diện tại TP Hồ Chí Minh - 92 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, với sự tham dự của các vị khách mời:

Ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ GTVT; ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia; ông Thạch Như Sỹ - Phó Chánh thanh tra Bộ GTVT; bàPhan Thị Thu Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải; ông Hoàng Thế Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ ATGT; ông  Hồ Hữu Hòa  - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế; ông Lê Hồng Việt  - Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TP. HCM; ông Hoàng Văn Mạnh - Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội; ông Thượng Thanh Hải - Phó Giám đốc Bến xe miền Đông; ông Trần Văn Phương – Phó Tổng giám đốc Công ty CP bến xe khách miền Tây; Luật sư Lê Văn Phiến - Đoàn luật sư TP. HCM; ông Nguyễn Hữu Luân - Giám đốc Công ty Phương Trang Đà Lạt; ông Đặng  Trọng Hiền - Giám đốc chất lượng Công ty Phương Trang; ông Trương Ngọc Thu - Phó tổng giám đốc Công ty CP Du lịch vận tải Phương Trang.

Quang cảnh buổi tọa đàm
Quang cảnh buổi tọa đàm

Các khách mời tham dự toạ đàm sẽ trả lời các câu hỏi của độc giả, kiến nghị các biện pháp siết chặt quản lý vận tải, nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ phục vụ hành khách, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp vận tải; Dẹp bỏ vấn nạn xe khách trá hình, núp bóng xe hợp đồng đang làm rối loạn hoạt động vận tải, làm thất thoát hàng tỷ đồng tiền thuế của Nhà nước.

Thực trạng xe khách trá hình thời gian qua đã được Báo Giao thông phản ánh qua hàng loạt bài điều tra, phóng sự chỉ rõ sai phạm của các doanh nghiệp tại TP HCM, miền Trung mà đặc biệt là việc Nhà xe Thành Bưởi ngang nhiên lập bến xe dù, đưa xe hợp đồng vào khai thác tuyến cố định bất chấp các quy định hiện có của Nhà nước. Tuy nhiên đây không phải là trường hợp cá biệt, hiện tượng này nếu không được chấn chỉnh kịp thời sẽ tạo nên các hệ luỵ làm méo mó thị trường vận tải, gây thiệt hại cho chính hành khách và thất thu thuế Nhà nước.

BỘ GTVT ĐANG THANH TRA NHIỀU DOANH NGHIỆP VẬN TẢI LỚN

Thưa Thứ trưởng, mặc dù chủ đề Năm ATGT năm nay là siết chặt quản lý vận tải nhưng thực tế hiện nay, tại rất nhiều địa phương vẫn tồn tại việc các hãng xe không vào bến, thậm chí tự lập bến đón trả khách gây rối loạn trong vận tải khách. Lãnh đạo Bộ nhận định thế nào về tình trạng này, quan điểm xử lý của Bộ ra sao?

Ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ GTVT
Ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ GTVT

Ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ GTVT: Từ đầu năm đến nay, cả nước đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để kéo giảm TNGT. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với nhiều giải pháp rất quyết liệt, từ Trung ương đến địa phương. Thực tế thời gian qua tình hình trật tự ATGT đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. 7 tháng đầu năm giảm 267 người chết so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu cho thấy chúng ta đã kéo giảm được TNGT.

Năm 2014, với chủ đề tăng cường siết chặt vận tải, bên cạnh việc chúng ta bước đầu khắc phục được những tồn tại, yếu kém, vẫn còn một số tồn tại, bất cập trong hoạt động kinh doanh vận tải. Chúng ta phải khẳng định vận tải khách là loại hình kinh doanh có điều kiện gồm những loại hình như: kinh doanh vận tải cố định, buýt, xe khách có hợp đồng, taxi…

Hôm nay chúng ta bàn trực tiếp đến những vấn đề có liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải theo hợp đồng và cố định. Phải nói rằng, hiện đang còn có sự chồng lấn, dẫn đến bị lợi dụng để kinh doanh. Qua thanh tra tại một số địa phương cho thấy, nhiều DN đã lợi dụng hình thức kinh doanh vận tải hợp đồng để làm kinh doanh vận tải cố định. Tình trạng này còn dẫn tới một vấn đề khác cũng rất nghiêm trọng là bến cóc, xe dù, vòng vo đón khách… làm mất ATGT và an ninh trật tự.

Các lỗi dừng đỗ, bắt khách dọc đường được thiết bị GSHT ghi lại sẽ bị xử phạt.Ảnh Xuân Đoàn
Các lỗi dừng đỗ, bắt khách dọc đường được thiết bị GSHT ghi lại sẽ bị xử phạt: .ẢnhXuân Đoàn

Muốn quản được và giải quyết được triệt để vấn đề này phải thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước. Công tác qui hoạch, đặc biệt là qui hoạch các tuyến vận tải hành khách cũng phải tốt. Bộ GTVT đang cố gắng đến 30/12 sẽ ban hành qui hoạch này. Có được qui hoạch này, hoạt động vận tải sẽ đi vào qui củ hơn.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đang trình Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt Nghị định sửa đổi Nghị định 91 và 93. Nếu chúng ta thực hiện tốt các Nghị định này và làm tốt khâu quản lý, kiểm tra, hoạt động vận tải sẽ tốt lên nhiều.

Cùng với đó, để thực hiện hiệu quả các giải pháp này, việc tuyên truyền cũng rất quan trọng. Qua kiểm tra cho thấy, nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác này, dẫn tới hoạt động vận tải rất lộn xộn, TNGT tại một số tỉnh liên quan đến xe khách nhiều.

Thời gian tới, sau khi ban hành Nghị định sửa đổi trên, chúng ta phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt để ngăn chặn tình trạng kinh doanh vận tải tuyến cố định - hợp đồng - du lịch được chấn chỉnh ngay. Hiện, Bộ GTVT đang tiến hành thanh tra đối với một số DN lớn, có quy mô. Phát hiện vi phạm sẽ tập trung xử lý, chấn chỉnh ngay. 

Các khách mời tham gia chương trình tọa đàm ở VP TP Hồ Chí Minh
Các khách mời tham gia chương trình tọa đàm tại VPĐD miền Nam của Báo Giao thông (92 Nam Kỳ Khởi Nghĩa -TP Hồ Chí Minh)

XE KHÁCH TRÁ HÌNH VÀ NHỮNG HỆ LỤY

Ông có thể cho biết thực tế xe khách trá hình tại TPHCM đang diễn ra thế nào?

Trần Văn Phương - Phó tổng giám đốc Công ty CP bến xe miền Tây
Ông Trần Văn Phương - Phó tổng giám đốc Công ty CP bến xe miền Tây

Ông Trần Văn Phương - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bến xe khách Miền Tây:  Có chừng 17 doanh nghiệp hoạt động trong nội thành. Hình thức hoạt động là đặt một văn phòng trong nội thành rồi đưa xe vào khai thác từ TPHCM đi các tỉnh hoặc ngược lại.

Việc lợi dụng như vậy tạo ra môi trường kình doanh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, một bên là tuân thủ các nghĩa vụ của Nhà nước về thuế, giá bến… một bên là khai thác nhưng không đóng thuế, phí bến làm cho việc cạnh tranh thiếu bình đẳng

Một diễn biến khác khác là gây ùn tắc, an ninh trật tự, tệ nạn do xe vào nội thành. Quyền lợi của hành khách vì thế do không phát hành vé nên không có bảo hiểm, khi có sự cố thì gánh chịu hậu quả nặng nề. Về giá cả cũng thế, thời điểm bình thường thì họ hạ giá, nhưng cao điểm thì tăng giá.

Về nguyên nhân: Hệ thống pháp luật có kẽ hở; Việc tuần tra của TTGT, CSGT, và chính quyền địa phương còn chưa đầy đủ.

Theo tôi về giải pháp: Sự phối hợp giữa 3 lực lượng này. Phải có một cơ quan chủ trì, chứ một lực lượng thì có một chức năng nhiệm vụ khác nhau. Sự quyết liệt của cơ quan chủ trì là vấn đề quyết định; Về quy hoạch: cần quy hoạch những điểm để xe du lịch đón khách.

Loại xe này có gia tăng trong dịp lễ Tết không, thưa ông?

Ông Trần Văn Phương - Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bến xe khách Miền Tây:Khi nhu cầu hành khách tăng cao thì loại xe này hoạt động rầm rộ.

CÓ TUYẾN KHÔNG CÒN XE NÀO VÀO BẾN

Ông Thượng Thanh Hải - Phó giám đốc bến xe miền Đông
Ông Thượng Thanh Hải - Phó giám đốc Bến xe miền Đông

Tình hình này có xảy ra ở bến xe miền Đông không? Tuyến nào không có xe vào bến nhưng xe dù hoạt động rầm rộ bên ngoài?

Ông Thượng Thanh Hải - Phó Tổng giám đốc Bến xe miền Đông: Hiện tuyến Quảng Ngãi không còn vào trong bến một xe nào.

Như xe của doanh nghiệp Trần Hòa đã cố gắng hoạt động trong bến nhưng không cầm cự được xin chuyển ra ngoài hoạt động.

Hay như tuyến Đà Lạt xe hoạt động bên ngoài quá nhiều khiến khách trong bến giảm.

 

Một số tuyến cố định đã ra ngoài bến xe miền Đông hoạt động nên khách trong bến có giảm
Một số tuyến cố định đã ra ngoài bến xe miền Đông hoạt động nên khách trong bến có giảm

Cơ quan chức năng có biết điều này không?

Ông Lê Hồng Việt - Phó Chánh thanh tra Sở GTVT TPHCM: Nếu xe hoạt động du lịch trá hình thì dễ xử lý.

Ông Lê Hồng Việt - Phó chánh thanh tra Sở GTVT TP Hồ Chí Minh
Ông Lê Hồng Việt - Phó chánh thanh tra Sở GTVT TP Hồ Chí Minh

Đã nhiều lần có các văn bản kiến nghị Sở GTVT TPHCM, khó nhất là loại xe chạy du lịch lữ hành chịu sự quản lý của Luật du lịch.

Tới đây Bộ GTVT có sửa đổi Nghị định 91, 93, chúng tôi kiến nghị sửa một số điểm cho hợp lý. Cần phân biệt thế nào là xe hợp đồng du lịch và xe hợp đồng lữ hành.

NGHIÊM CẤM XE HỢP ĐỒNG ĐÓN TRẢ KHÁCH NGOÀI PHẠM VI GHI TRONG HỢP ĐỒNG

Thời gian qua, có tình trạng nhiều tuyến không còn xe khách vào bến. Đây là tình trạng bất thường. Tổng cục Đường bộ VN có nắm được không và tới đây khắc phục như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Quyền – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ:
Ông Nguyễn Văn Quyền – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ

Ông Nguyễn Văn Quyền – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ: Các vấn đề liên quan đến vận tải khách, chúng tôi đều nắm được, kể cả tình trạng xe hợp đồng đội lốt xe tuyến cố định. Thậm chí có những tụ điểm tự ghi số ghế, thậm chí có nơi bán vé cho khách. Đây là tình trạng tồn tại trong nhiều năm qua. Trong công tác triển khai quản lý, Tổng cục đã bàn rất nhiều biện pháp để ngăn chặn.

Giải pháp triệt để nhất là phải sửa đổi Nghị định 91, 93 và Thông tư 18. Tổng cục đã đưa nội dung nghiêm cấm xe hợp đồng đón trả khách ngoài phạm vi ghi trong hợp đồng. Nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật.

Trước đây trong qui định, chúng ta chưa chặt chẽ dẫn tới vi phạm tràn lan trong thời gian qua. Khi 91, 93 có hiệu lực, chúng tôi sẽ có những biện pháp quản lý mới như: áp dụng công nghệ thông tin và thiết bị GSHT để quản lý hoạt động của các loại hình này. Như vậy sẽ có những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn.

Thời gian qua có tình trạng xe khách từ TP.HCM đi Quảng Nam không xe nào vào bến, Tổng cục có nắm được không?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Hiện nay, việc quản lý có phân cấp, có tuyến Tổng cục Đường bộ VN quản lý, có tuyến giao cho địa phương.. Tổng cục chỉ quản lý các tuyến trên 1.000km. Còn lại phân cho các tỉnh. Với riêng tuyến từ TP.HCM đi Quảng Nam, khi không còn xe hoạt động nữa thì tuyến đó sẽ bị loại bỏ, không hoạt động nữa và hành khách phải tìm hướng khác. Tuy nhiên, những tuyến như vậy không nhiều. Còn các tuyến do Sở GTVT quản lý, tôi cũng biết là không ít.

Ông có thể cho biết cụ thể hiện có những tuyến nào không vào bến?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Cái này chúng tôi không thể trả lời ngay được vì phải có thống kê cụ thể. 

XỬ LÝ CHƯA XUỂ, CHẾ TÀI CHƯA MẠNH

Tình hình này có xảy ra ở Hà Nội không?

Ông Hoàng Văn Mạnh - Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội
Ông Hoàng Văn Mạnh - Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội

Ông Hoàng Văn Mạnh - Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội: Tình hình xe khách trá hình trên đại bàn Thủ đô hiện nay rất nhức nhối. Có nhiều quan điểm khác nhau, ví dụ xe đi liên tỉnh. Nếu có mô hình làm tốt thì tự xe khách trá hình sẽ giảm đi, như xe khách Hải  Âu đã xây dựng thương hiệu: khi hành khách lên xe là tới bến cuối cùng. Còn có hiện tượng khác như xe khách tuyến cố định nhưng thương hiệu không tốt nên phải vòng vo đón khách ngoài khu vực, điểm đăng ký làm khách thấy đi lại rất khó khăn.

Hiện tượng này trước hết do cách quản lý của các doanh nghiệp vận tải các tuyến cố định, quản lý của các doanh nghiệp vận tải khách chưa tốt. Có nhiều xe núp đưới danh nghĩa xe hợp đồng, du lịch tại một số địa điểm lớn như trước đây ở Đội Cấn và giờ chuyển về Mỹ Đình dưới danh nghĩa về thăm chiến trường xưa, được cơ quan quản lý, các Hiệp hội đồng ý. Do vậy, lực luợng chức năng quản lý gặp không ít khó khăn.

Còn các xe Quang Tửu, Quang Tuyến… còn đón trả khách không đúng quy định với danh nghĩa xe du lịch (tại Đại Cồ Việt, Trần Đại Nghĩa). Thanh tra Sở đã kiểm tra chặt chẽ và các tuyến này không được hoạt động nữa.

Chúng tôi nghĩ rằng có thể vẫn còn xe trá hình núp dưới hình thức khác, chuyển địa bàn hoạt động, gây khó khăn cho cơ quan chức năng. Để đảm bảo cho hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh, chúng tôi cho rằng, xe khách phải bố trí các điểm đón trả khách trên các tuyến hợp lý. Thứ hai là trách nhiệm của các doanh nghiệp, cần phải nâng cao dịch vụ đăng ký ngày càng tốt hơn để nhân dân yên tâm.

Thứ ba, với những xe của các doanh nghiệp du lịch hoặc xe hợp đồng, chúng tôi kiến nghị, quy trình nên siết chặt lại; các doanh nghiệp với số lượng xe như thế nào mới được cấp giấy phép, chứ nếu doanh nghiệp chỉ có 2 - 3 xe chắc chắn không thể nuôi được. Doanh nghiệp có đầy đủ bộ máy hoạt động đi nữa cũng chỉ hoạt động theo kiểu đối phó, bởi phí thu phải đủ đảm bảo nuôi bộ máy.

Thứ tư, cần tuyên truyền để nhân dân hiểu biết về quyền lợi của họ khi đi vào bến xe, nên vào bến xe, vì ở ngoài có thể xe dù, xe hợp đồng giả danh, bán khách dọc đường, chất lượng không đảm bảo.

Trong thời gian vừa rồi một số hành khách đi xe hợp đồng cũng có, xe dù cũng có đã phản ánh đến Sở GTVT Hà Nội tình trạng bán khách dọc đường, thậm chí đe dọa hành hung hành khách. Mặc dù đã có chế tài song xử lý cũng chưa xuể.

Chúng tôi kiến nghị, một số doanh nghiệp có đầu xe lớn thường hoạt động vào nền nếp trách nhiệm, bài bản. Chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng Công an... tăng cường thanh tra, xử lý. Tuy nhiên, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chính sách để có chế tài xử lý mạnh mẽ hơn. Hiện nay chế tài của chúng ta vẫn còn nhẹ. Ví dụ như trường hợp vi phạm chỉ giữ phương tiện 7 ngày, còn vi phạm nặng hơn chỉ giữ nhưng không quá 30 ngày để xác minh. Mục đích của chúng ta là lập lại trật tự, quản lý, bảo đảm quyền lợi hành khách.

PHẢI QUẢN CHẶT XE HỢP ĐỒNG

Người dân vẫn đi xe dù vì xe trong và ngoài bến không có sự khác biệt, thậm chí nhiều người phản ánh, nhiều xe bỏ bến nhưng chăm sóc khách tốt, xe mới, sạch sẽ. Vậy bao giờ chúng ta mới tạo được thay đổi mạnh mẽ về chất lượng xe trong bến với xe ngoài bến? Đề từ đó thu hút lượng khách vào bến đi xe, không bắt xe khách dọc đường?

Bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải
Bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải

Bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải: Bến cóc, xe dù thực sự là một trong những vấn nạn mà Bộ GTVT đang cố gắng đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết triệt để. Tình trạng bến cóc xe dù đã dẫn đến những hệ lụy như xe chạy không theo quy định nên hành khách có thể bị chậm hành trình, ngoài ra còn có thể bị cơ quan kiểm tra, kiểm soát xử lý, tạm giữ phương tiện. Lên xe dù, giá vé sẽ do chủ xe tự đặt ra. Việc xe dù tùy tiện đón trả khách sẽ phá vỡ tình hình trật tự, ATGT của các địa phương. Ngoài ra, xe khách trá hình gây ra tình trạng cạnh tranh vận tải không lành mạnh.

Về quản lý Nhà nước, trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã nhiều lần sửa đổi, hiện đang dự thảo sửa đổi Nghị định 91, vấn đề xe dù bến cóc đã được đặt ra. Tuy nhiên, tình trạng xe dù bến cóc vẫn tồn tại dai dẳng trong thời gian qua vì nhiều DN do điều kiện tổ chức của mình cũng không theo đúng quy định, vẫn đưa xe ra hoạt động ở bến cóc. Hiện nhiều người dân chưa có kiến thức, phân loại rõ xe dù và xe trong bến. Dẫn đến người dân vẫn dễ dãi lựa chọn xe, vẫn ra đường bắt xe, tạo cơ hội cho xe dù bến cóc tồn tại.

Nguyên nhân từ người dân, người dân có được nhận thức, hưởng ứng quy định về ATGT thì các cơ quan quản lý Nhà nước, DN sẽ có động lực triển khai mạnh mẽ hơn quy định pháp luật về vận tải.

Hiện xe khách trá hình chủ yếu là xe vận tải hợp đồng (chiếm 90%) do vậy đã đến lúc phải quản chặt xe vận tải hợp đồng. Đề xuất chung của các địa phương là sẽ quy định mô hình DN kinh doanh vận tải theo hợp đồng, quản lý về hành trình của xe vận tải hợp đồng (trước khi tổ chức chuyến đi phải thông tin về Sở GTVT hành trình, các điểm đón trả khách…để thông qua thiết bị GSHT để kiểm tra); đồng thời tăng cường kiểm tra hợp đồng và danh sách hành khách áp dụng cho xe hợp đồng.

Ngoài ra, có những giải pháp tương ứng với tuyến cố định như đơn giản hóa thủ tục hành chính để DN vận tải khách cố định hoạt động dễ dàng, hiệu quả; công bố quy hoạch vận tải tuyến liên tỉnh; tổ chức các điểm dừng đỗ trả khách cho xe cố định trên các tuyến đường dài.

Xe chạy tuyến Hà Nội - Hải Phòng dừng đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định
Xe chạy tuyến Hà Nội - Hải Phòng dừng đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định

Hiện đã có 19 tỉnh, thành phố xác định được điểm dừng đỗ đón trả khách cho xe cố định. Khi chúng ta làm tốt điều này, xe dù sẽ bị xử lý. Ngoài ra, cần tăng cường kết nối vận tải hành khách công cộng đến nhà ga, bến xe để người dân có thể dễ dàng đón được xe tuyến cố định. Ngoài ra, phải củng cố lại các xe trung chuyển cho các tuyến cố định để tạo điều kiện cho người dân đến với nhà ga, bến xe thuận lợi nhất.

Các bến xe sẽ được hiện đại hóa, kết nối phần mềm, tăng cường hiệu quả thiết bị giám sát hành trình. Cơ quan chức năng sẽ tăng cường các chính sách, quy định pháp luật để hạn chế xe dù. Bên cạnh đó cũng đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường tuyên truyền, cổ động để người dân hiểu được lợi ích của xe tuyến cố định để hành khách lựa chọn xe tuyến cố định, tẩy chay xe dù, bến cóc.

Bà vừa cho biết đến nay mới có 19 địa phương xây dựng được điểm đón trả khách dọc đường cho xe tuyến cố định. Con số này có quá ít hay không và đến bao giờ 63 tỉnh, thành mới hoàn tất công việc này?

Bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải: Theo quy định, đến 31/12/2014 sẽ hoàn thành việc xác định điểm đón trả khách trong cả nước. Các điểm đón trả khách này phải căn cứ vào cơ sở hạ tầng, điều kiện ATGT để các địa phương xây dựng mạng lưới đón trả khách. Hiện Bộ GTVT đang cùng các địa phương rà soát, nghiên cứu để sớm công bố được các điểm đón trả khách, giúp người dân có hành trình thuận tiện.

PHẢI CHĂNG DOANH NGHIỆP ĐƯA XE VÀO BẾN CÒN BỊ SÁCH NHIỄU?

Hiện người dân chưa phân biệt được lợi ích giữa đi xe dù và xe khách. Đi xe dù có thể bị ép giá, bán khách, không được bảo hiểm khi xảy ra tai nạn. Tuy nhiên khi Báo Giao thông thực hiện nhiều loạt bài điều tra, trong đó có nhà xe Thành Bưởi nhận được rất nhiều ý kiến ủng hộ chủ trương siết chặt kiểm soát, xử lý nghiêm xe trá hình, nhưng cũng có một số ý kiến nói đi xe Thành Bưởi thích, an toàn. Rõ ràng có những bất hợp lý ở đây, Thứ trưởng đánh giá thế nào về điều này?

Ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ GTVT: Trước hết có thể khẳng định, kinh doanh vận tải có tính xã hội cao. Đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện chứ không tự phát. Nếu không kiểm soát được sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an ninh trậ tự, an toàn xã hội.

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ 2008, NĐ 91, 93 và TT 14, 18, tất cả các vấn đề đặt ra đã rõ ràng. Vấn đề là chúng ta có thực hiện nghiêm túc hay không. Qua thực tế kiểm tra việc thực hiện các qui định của Nhà nước cho thấy, nhiều nơi chưa nghiêm túc nên dẫn đến tình trạng như thế này. Những vấn đề như thế này rất khó thực hiện nên việc quản lý phải hướng tới quyền lợi của DN và người dân thì mới giải quyết được.

Về chuyện giữa xe hợp đồng và cố định, du lịch, tại sao có chuyện DN lại sử dụng vận tải hợp đồng để vận tải cố định và du lịch cũng vậy. Chúng tôi đã nhận thấy điều này và đã được thể hiện trong các qui định được sửa đổi tại các văn bản quy phạm pháp luật sắp tới. Tới đây, Bộ GTVT sẽ tiếp tục nghiên cứu để cập nhật và sửa đổi tiếp cho phù hợp. Về 3 loại hình vận tải này thực chất là một, nhưng mỗi loại lại có những đặc thù riêng và đã có những qui định rõ ràng để phân biệt. Nhưng người dân và hành khách chưa hiểu. Vấn đề hiện nay là cần phải có qui hoạch, gắn liền với bến xe, điểm dừng đỗ. Phải thực hiện đúng các qui định và bài bản thì mới quản lý được.

Tất cả những cái đó phải có qui hoạch. Khi có qui hoạch về luồng tuyến, điểm dừng đỗ rồi thì thực hiện sẽ tốt. Các DN phải tuân thủ các qui định tại bến xe. Chúng ta sinh ra bến xe nhưng lại không thực hiện các qui định của bến xe. Nhiều bến xe có dịch vụ quá kém khiến hành khách vào bến xe mất an toàn, không tự tin. Không cẩn thận giá vé ở đấy còn bị đẩy lên.

Điều này cũng là nguyên nhân nảy sinh tình trạng bến cóc, xe dù. Từ đây phát sinh cạnh tranh không lành mạnh. Nếu không kiểm tra, thanh tra kỹ, dẫn đến tình trạng lộn xộn mất ATGT. Chẳng hạn như tại bến xe Đà Nẵng trật tự, văn minh như thế, nếu bến xe nào cũng được như thế, ai cũng muốn vào.

Xe hợp đồng, cũng là loại hình kinh doanh có điều kiện, phải thông qua hợp đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp tìm cách lách luật thông qua một cái vé xe đơn giản tự in, vẫn có nhiều hành khách đi. Điều này chúng ta cũng phải suy nghĩ, phải chăng các bến xe, cơ quan quản lý Nhà nước còn có sự sách nhiễu, quản lý chưa hợp lý?

Những lộn xộn này đã tác động rất lớn đến thị trường vận tải. Bộ trưởng Bộ GTVT đã có chỉ đạo phải siết chặt công tác này, đồng thời có sự nghiên cứu kỹ để có sự điều chỉnh cho hợp lý.

KHÓ KIỂM SOÁT HAY CỐ TÌNH KHÔNG KIỂM SOÁT?

Chúng ta đã nghe các đại biểu nói quy định có rồi vấn đề là kiểm soát chưa chặt chẽ, khó kiểm soát. Nhưng thực tế là khó kiểm soát hay chúng ta không kiểm soát? Khi mà điểm dừng đón khách của Nhà xe Thành Bưởi rất gần trụ sở Thanh tra Sở GTVT TPHCM? Vì sao, thanh tra Sở không phát hiện ra vi phạm của doanh nghiệp này trong nhiều năm liền? Có sự bao che, bảo kê hay không?

Ông Lê Hồng Việt - Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TPHCM:  Nhà xe Thành Bưởi hoạt động hai loại là tuyến cố định (được cho phép bán vé tại trụ sở doanh nghiệp ở Bến xe miền Tây - Cần Thơ. Bến xe miền Đông - Đà Lạt) và được phép trung chuyển ra bến.

Một loại khác là hoạt động du lịch lữ hành, bất cập ở chỗ là trước đây Thanh tra cũng áp dụng nhiều biện pháp để xử lý. Việc bán vé ngay ở trụ sở và thu gom khách du lịch lữ hành theo Luật du lịch là đúng. Theo quy định thì doanh nghiệp du lịch lữ hành phải có danh sách hành khách, có hợp đồng… Chúng tôi biết có hoạt động du lịch lữ hành nhưng không xử lý được theo thể lệ vận tải mà chỉ xử lý lỗi đậu xe trên đường để đón khách.

Thanh tra kiến nghị Sở GTVT đã cắm biển cấm dừng đậu. Cuối năm 2012 xe Thành Bưởi không còn đậu đỗ lòng lề đường mà chuyển vào bãi thuê nhà máy thuốc lá nơi đỗ xe.

Chúng tôi kiểm tra về mặt pháp lý thì bên cho thuê mặt bằng có chức năng cho thuê đỗ xe. Thành Bưởi cũng có chức năng thuê làm bãi đỗ xe lên xuống khách du lịch.

Chúng tôi cũng đã có văn bản hỏi là có được xử lý hành vi này như là lập bến xe dù không? Sở Kế hoạch & Đầu tư trả lời là trong 7 điều kiện thu hồi giấy phép thì không có điều kiện này nên không rút được.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ hỏi ông Việt: Điểm dừng đỗ xe là do Sở GTVT cấp, vậy trong quy hoạch có không?

Ông Lê Hồng Việt: Đây không phải là điểm dừng đón khách mà chỉ là bãi đỗ xe do Sở KH-ĐT cấp.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Nếu điểm giữ xe mà đón trả khách thì là sai có thể kiến nghị rút giấy phép nếu nhiều lần vi phạm.

ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách UBATGT quốc gia
Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia

Ông Lê Hồng Việt: Tôi xin giải thích một lần nữa là chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần nhưng Sở KH-ĐT trả lời không rút được.

Ông Khuất Việt Hùng: Nếu kinh doanh vận tải mà đón – trả khách sai vị trí, nếu điểm trông xe mà doanh nghiệp đón – trả khách theo qui định thì có thể xử phạt. Nếu xử phạt nhiều lần có thể tước giấy phép.

Anh Việt nói là đã thanh tra nhiều lần, tôi đề nghị anh thanh tra, kiểm tra 3 điểm Đề Thám – Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Bình. Các anh đã kiểm tra bao nhiêu lần. Có biện pháp xử lý chưa?

Ông Lê Hồng Việt: Năm 2012 Bộ đã vào thanh tra rồi nên 2013 chúng tôi không thanh tra nữa.

NÓI KHÔNG BIẾT LÀ KHÔNG CÓ TRÁCH NHIỆM

Ông Thạch Như Sỹ - Phó Chánh thanh tra Bộ GTVT: Tôi xin giải thích thêm là có 3 cụm từ phải bàn: bến cóc; xe dù; xe trá hình. Ba vấn đề này phải làm rõ không để lầm lẫn.

Bến cóc, xe dù, cơm tù có từ năm 2004 được đề cập tới trong Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ và năm 2011 đã có tổng kết về chuyên đề này. Về cơ bản, vấn đề bến cóc đã được xử lý. Nhưng hôm nay, vấn đề chúng ta bàn là xe trá hình là một hình thức lách luật mới. Để tìm ra dấu hiệu vi phạm phải có nghiệp vụ rất sâu.

Ông Thạch Như Sỹ - Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT
Ông Thạch Như Sỹ - Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT

Đối với xe trá hình, chúng tôi chỉ đạo phân biệt có nhiều loại trong đó xe trá hình do hình thức kinh doanh là rõ ràng nhất.

Hiện nay có xe buýt trá hình, xe hợp đồng trá hình và xe tuyến cố định trá hình. Trá hình theo hình thức kinh doanh: xe hợp đồng trá hình tuyến cố định nhưng có loại xe chạy tuyến cấp phép nhưng hoạt động không đúng nội dung, như không có người điều hành, không theo dõi ATGT….

Kèm theo loại xe trá hình thì sinh ra loại bến xe trá hình. Về mặt hình thức, bến xe trá hình, có cơ quan nào đấy cấp phép, có giấy phép nọ giấy phép kia, nhưng trong giấy phép đó thì bến xe chỉ là điểm đỗ xe nhưng lại có hiện tượng đỗ xe, dừng xe và bán vé…

Chúng tôi đã ngồi đếm, có ngày ít nhất có 3.500 khách và nhiều là 5.000 khách lên xuống. Nếu nói không biết là không có trách nhiệm với lãnh đạo Bộ, với nhân dân.

Bộ trưởng đã ký thành lập đoàn kiểm tra, chúng tôi chịu trách nhiệm kiểm tra, xử lý, còn không thể nói như anh Việt nói được. 

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ: Có các doanh nghiệp dự tọa đàm, tôi cũng muốn lắng nghe, vì sao xe bỏ bến ra ngoài nhiều, quá trình đưa xe vào bến có khó khăn gì không? Có bị sách nhiễu gì không?

XE BỎ BẾN CHẠY NGOÀI NHƯ UNG THƯ NGÀY CÀNG LAN RỘNG

Ông Nguyễn Hữu Luân - Giám đốc Công ty Phương Trang chi nhánh Đà Lạt
Ông Nguyễn Hữu Luân - Giám đốc Công ty Phương Trang chi nhánh Đà Lạt

Ông Nguyễn Hữu Luân - Giám đốc Cty Phương Trang chi nhánh Đà Lạt:  Chúng tôi chạy bị lỗ hơn 7 tỷ đồng trong năm đầu, nhưng vẫn cố gắng duy trì vào bến. Khách thì muốn thuận tiện ngay trong nội thành, doanh nghiệp chấp hành vào bến thì thiệt thòi, như hãng xe Trần Hòa đã nỗ lực lắm rồi nhưng cuối cùng cũng bỏ bến ra ngoài, nếu tình trạng này không được chấn chỉnh nó  như ung thư sẽ lan rộng phát tán ra.

Chúng tôi rất cảm ơn Báo Giao thông đã tổ chức cuộc tọa đàm này. Rất cảm ơn lãnh đạo Bộ GTVT, Ủy ban ATGT Quốc gia đã lắng nghe những tâm tư, bức xúc của doanh nghiệp vận tải. Dự thảo của Bộ GTVT sắp tới quy định về xe cố định thì chặt, nhưng về xe hợp đồng thì chỉ có vài dòng. Vậy cần định nghĩa hợp đồng cụ thể ra sao? Hiện nay có doanh nghiệp ký hợp đồng với từng hành khách? Đây là một cách lách luật trốn được các khoản thuế với Nhà nước và cạnh tranh lấn ép các doanh nghiệp chấp hành nghiêm quy định vận tải khách cố định.

Về giải pháp, tôi đề nghị  chúng ta không cấp phù hiệu cho xe hợp đồng dài hạn mà khi có hợp đồng với hành khách thì mới cấp phù hiệu cho xe này.

Hơn 10 năm qua, việc phát sinh bến cóc ngày càng nhiều, các tuyến miền Tây phát triển mạnh, nhất là các tuyến đi đến các điểm du lịch. Các hãng xe đua nhau kinh doanh vận tải tuyến cố định trá hình, trốn vào bến, trốn thuế phí. Điều này tạo sự cạnh tranh không lành mạnh.

Có doanh nghiệp chạy xe hợp đồng thì còn trốn thuế, chẳng hạn bán một 1.000 khách nhưng họ chỉ báo 500 khách thì chắc chắn ngành thuế không biết.

Theo tôi về giải pháp: Cần nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý, một phường có bến cóc mà chủ tịch phường, phó chủ tịch không biết là vô lý. Cần tạo cơ chế để các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh.

NÊN LẮP CAMERA TRÊN XE KHÁCH

Tại sao có những kẽ hở của pháp luật bị lợi dụng?

Luật sư Lê Văn Phiến - Đoàn luật sự TP.HCM
Luật sư Lê Văn Phiến - Đoàn luật sư TP.HCM

Luật sư Lê Văn Phiến - Đoàn luật sư TP.HCM:Vừa qua Báo Giao thông đã thực hiện thành công loạt bài về xe trá hình. Hoạt động trá hình có nhiều dạng, do đâu? Do chúng ta quản lý không chặt chẽ, các doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở lách luật để tạo ra lợi nhuận.

Về luật thì chúng ta phải kiên quyết. Trước hết là quản lý phải thực hiện nghiêm. Cùng với đó là tuyên truyền cho người dân biết những loại hình xe nào. Người dân có quyền lợi và nghĩa vụ thế nào và tác động ảnh hưởng của loại hình này là người dân. Bởi có tình trạng lên xe mà bị chạy lòng vòng mấy tiếng đồng hồ mà chưa ra khỏi thành phố.

Phân tích du lịch lữ hành, du lịch chạy tuyến cố định thì trong Thông tư 18 quy định phải đón trả khách đúng nơi quy định, không thu tiền hành khách trên xe. Nhưng ai quản lý được, mặc dù có quy định lập camera hành trình trên xe nhưng cũng không quản lý được. Có thể yêu cầu đặt camera lớn hơn.

Về chế tài là phải xử phạt thật nặng để tạo sự cạnh tranh công bằng. Tuyên truyền để người dân chọn loại hình tốt nhất cho mình trên hành trình, từ đó dân sẽ loại bỏ những doanh nghiệp không lành mạnh.

Ông Hồ Hữu Hòa  - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế
Ông Hoàng Thế Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ ATGT

 

Giải pháp để giải quyết được tình trạng xe khách trá hình?

Ông Hoàng Thế Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ ATGT:Qua ý kiến của các đại biểu, tôi thấy vấn đề xe khách trá hình đang được dư luận và các cơ quan chức năng quan tâm.

Đây là vấn đề rất khó phát hiện, xử lý. Tới đây, cần có tập huấn để nâng cao nhận thức của cơ quan thực thi pháp luật về vấn đề này. Đặc biệt là tập huấn cho thanh tra các Sở GTVT địa phương.

Đến nay vẫn còn tình trạng cả cơ quan quản lý tại địa phương, doanh nghiệp vận tải chưa hiểu hết, nắm rõ hết các quy định pháp luật về giao thông vận tải. 

Theo tôi, với các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay, chỉ cần nâng cao nhận thức của lực lượng thực thi pháp luật đã có thể phát hiện sớm, xử lý tốt xe hợp đồng kinh doanh núp bóng xe chở khách tuyến cố định.

 

 

Ông  Hồ Hữu Hòa  - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế
Ông Hồ Hữu Hòa - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế

Ông Hồ Hữu Hòa - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế 

Về phía pháp chế, tôi thấy, qua các ý kiến, cơ bản hệ thống quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý tuyến cố định cơ bản đầy đủ.

Tuy nhiên, quá trình quản lý đòi hỏi sự tuân thủ chặt chẽ, đầy đủ của cơ quan chức năng như Thanh tra giao thông.

Về thói quen người dân, rõ ràng người dân có thói quen tự nhiên khi không vào bến xe.

Cơ quan quản lý cần nâng cao trách nhiệm trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ bến xe; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về quyền lợi của họ khi vào bến xe.

NHẬN ĐƯỢC TIN BÁO VI PHẠM QUA ĐƯỜNG DÂY NÓNG SẼ XỬ LÝ NGAY

Dư luận đánh giá cao chủ trương của Bộ GTVT và Ủy ban ATGT Quốc gia yêu cầu các nhà xe phải công khai đường dây nóng trong các dịp lễ Tết. Tại sao chúng ta không quy định các nhà xe phải dán công khai đường dây nóng trên xe khách để khách lên xe nhìn thấy ngay, khi bị ép giá, bán khách hoặc phát hiện xe không an toàn họ có địa chỉ để phản ánh? Tại sao chúng ta không duy trì được các đường dây nóng này ngay trong ngày thường?

Ông Khuất Việt Hùng: Xin trả lời ngay câu hỏi này là chúng ta vẫn đang duy trì niêm yết các số điện thoại đường dây nóng. Dù nay tôi không còn là Vụ trưởng Vụ Vận tải nữa, nhưng mỗi ngày tôi vẫn nhận được không dưới 20 cuộc điện  thoại, trong đó có trên 10 cuộc về cân xe còn lại là tình trạng xe khách gửi đến số điện thoại của Ủy ban.

Vừa rồi, chúng tôi có thông báo lại số điện thoại đường dây nóng của Bộ GTVT và Tổng cục ĐBVN. Tới đây, tại Thông tư số 24 và 18, chúng tôi cũng sẽ qui định mọi xe phải niêm yết số điện thoại của Bộ GTVT, Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt và Tổng cục ĐBVN. Số điện thoại của Sở GTVT chỉ niêm yết tại bến xe.

3 số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh trật tự an toàn giao thông dịp 2/9 là: 0903232654 - 0989088719 – 0912379753. Địa chỉ thư điện tử: vuvantai@mt.gov.vn.

Xin nhắc lại các số điện thoại của Bộ, Ủy ban ATGT Quốc gia và Cục CSGT vẫn hoạt động 24/24. Vì thế những người phát hiện có tình trạng xe dù, bến cóc, vi phạm thể lệ vận tải có thể phản ánh mọi lúc, mọi nơi.

Các số điện thoại của Bộ GTVT, Tổng cục ĐBVN đều là các số di động, nên nếu có tin nhắn, đề nghị người dân và hành khách có sự mô tả rõ địa điểm, thời gian và nội dung của vụ việc để chúng tôi dễ dàng xác minh. Việc gì thuộc thẩm quyền sẽ xử lý ngay, còn cái gì thuộc địa phương, chúng tôi sẽ chuyển ngay cho địa phương để xử lý.

Xin quay lại chủ đề hôm nay của chúng ta là bàn về xe hợp đồng đội lốt cố định, kinh doanh trá hình. Với qui định mới từ 1/7/2015, những thông tin về hợp đồng sẽ phải gửi về các cơ quan quản lý Nhà nước, nơi cấp hợp đồng và giấy phép kinh doanh là các Sở GTVT trước khi xe xuất phát để qua thiết bị GSHT giám sát có đúng hay không. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến luật sư là cần tăng cường hệ thống thiết bị GSHT. Nhưng hiện nay chưa có qui định yêu cầu lắp đặt thiết bị này trên xe hợp đồng.

Tôi xin trở lại câu hỏi đặt ra từ trước là tại sao xe DN vẫn vào đón khách tại đường Lê Hồng Phong, Đề Thám? Đây là xe hợp đồng hay là tuyến cố định? Tôi đề nghị các đơn vị thực hiện công tác TTKS cần có trách nhiệm hơn trong xử lý vi phạm. Thời gian tới, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành có biện pháp gắn trách nhiệm với các lực lượng và địa phương trong việc kiểm soát, ngăn chặn tình trạng này để giúp người dân đi lại an toàn, thuận tiện hơn.

Xe 16 chỗ thả khách chớp nhoáng tại đường ngang giữa phố Trần Bình và Phạm Hùng, Hà Nội (gần bến xe Mỹ Đình) rồi nhanh chóng biến mất
Xe 16 chỗ thả khách chớp nhoáng tại đường ngang giữa phố Trần Bình và Phạm Hùng, Hà Nội (gần bến xe Mỹ Đình) rồi nhanh chóng biến mất

KHÔNG CÓ CÁCH NÀO KHÁC LÀ PHẢI LÀM TỐT QUẢN LÝ 

Tới đây, Bộ GTVT sẽ có những giải pháp gì để chấn chỉnh tình trạng xe trá hình này, thưa Thứ trưởng?

Ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ GTVT:  Có thể nói năm 2014, chúng ta đã có những quyết tâm rất cao trong việc kiểm soát kinh doanh vận tải và tải trọng xe. Trong 7 tháng đã có những thành công nhất định. Trung bình mỗi quý giảm hơn 30 người chết vì TNGT. Tuy nhiên, chúng ta sẽ vẫn phải tăng cường hơn nữa để giảm TNGT. Chúng ta đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để cố gắng cuối năm 2014 đưa số người chết do TNGT giảm xuống dưới 9.000 người.

Liên quan kinh doanh vận tải hành khách, thời gian qua đã có những chuyển biến nhất định. Nhưng cần có những biện pháp quyết liệt hơn. Qua cuộc tọa đàm này cho thấy, chúng ta vẫn cần siết chặt lại quản lý và thực hiện nghiêm túc các qui định. Chỉ có như vậy mới không còn tình trạng như nãy chúng ta bàn, đó là bến cóc, xe dù, lộn xộn trong kinh doanh vận tải.

Để thực hiện, không còn biện pháp nào là tăng cường công tác quản lý. Làm tốt quản lý, TTKS sẽ đảm bảo hoạt động kinh doanh vận tải lành mạnh hơn. Bên cạnh đó, cũng cần công bố, công khai rộng rãi các qui hoạch về luồng tuyến, bến bãi để cho các DN vào khai thác và nhân dân giám sát. Cùng với đó, cần bổ sung, sửa đổi những điểm còn chưa chặt chẽ tại các văn bản qui định về quản lý vận tải. Đây là cái rất cần thiết để tạo điều kiện cho DN, giảm chi phí và thuận lợi cho người dân.

Tôi đề nghị tất cả DN kinh doanh vận tải, cả cố định, hợp đồng, du lịch phải nghiên cứu kỹ các qui định của Nhà nước để thực hiện nghiêm túc. Không được lợi dụng để tạo ra sự hỗn tạp, lộn xộn, để mất ATGT và an ninh trật tự.

Đối với những tồn tại, sai sót đối với tình trạng xe hợp đồng đội lốt tuyến cố định, nếu phát hiện có sự lợi dụng kẽ hở để chạy hợp đồng trà trộn tuyến cố định, làm thiệt hại ngân sách Nhà nước, mất ổn định trên thị trường vận tải, đề nghị Thanh tra  Bộ, cơ quan quản lý, các Sở GTVT địa phương, lực lượng TTKS tăng cường xử lý nghiêm.

Các doanh nghiệp còn thắc mắc, bức xúc về các quy định quản lý vận tải hoặc có kiến nghị sửa đổi các quy định hiện hành cho phù hợp hơn đề nghị gửi phản ánh ngay về Vụ Vận tải, Bộ GTVT. Các ý kiến hợp lý, xác đáng sẽ được tiếp thu trong quá trình sửa Thông tư 18.

Xin cảm ơn Thứ trưởng và các khách mời!

Báo Giao thông

Các tin tức khác

VIDEO

Bến xe Nghệ An - Dấu ấn một chặng đường

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

Bến xe Bắc Vinh: 0238.628.2299

Bến xe Chợ Vinh: 02383.842.627

Bến xe Đô Lương: 02383.713.897

20 người đang online

950.783 lượt truy cập

QC